Thuật ngữ logistics xuất hiện chính thức trong Luật Thương Mại năm 2005, trong đó điều 233 trong luật chỉ ra rằng: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.”
Doanh thu từ thị trường logistics Việt Nam chiếm tới 20 đến 25% GDP của cả nước, ước tính vào khoảng 35 đến 40 tỉ USD. Thế nhưng thị trường màu mỡ này lại không do người Việt làm chủ.
Sau quá trình hội nhập và mở cửa nền kinh tế hiện nay có khoảng hơn 25 doanh nghiệp logistics quốc tế hoạt động tại Việt Nam, trong đó có những công ty đa quốc gia cực lớn như UPS, Maersk, NYK, DHL v.v… Các công ty này chiếm đến gần 80% thị phần cung ứng logistics tại Việt Nam và đang có chiều hướng gia tăng hơn nữa.
Ngược lại, quy mô cung ứng dịch vụ của các công ty logistics của Việt Nam còn khá nhỏ, hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10 đến 20% nhu cầu của thị trường. Đây đang là một vấn đề rất nan giải của các công ty Việt trước sức ép cạnh tranh quá lớn của nước ngoài. Vậy đâu là câu trả lời cho bài toán cạnh tranh này?